Dữ liệu kinh tế đang cho thấy điều gì ?
Trong tuần qua,Mỹ đã công bố rất nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, khi tổng hợp lại dữ liệu từ đầu tháng, mình nhận thấy rõ kinh tế của Mỹ đang giảm phát và suy thoái.
- Số lượng người thất nghiệp tăng từ 3.4% lên 3.7%
- Mức thu nhập bình quân mỗi giờ giảm từ 0.4% xuống 0.3%
- Số đơn yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp là 262.000, giữ nguyên mức cao ngang bằng báo cáo tháng trước đó
- CPI hàng tháng giảm từ 0.4% xuống còn 0.1%
- CPI hàng năm giảm từ 4.9% xuống còn 4%
- PPI hàng tháng giảm từ 0.2% xuống -0.3%
- Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng từ mức thiếu hụt 0.5 triệu thùng lên thành dư thừa 7.9 triệu thùng.
- Lãi suất giữ nguyên mức cao không thay đổi ở tỉ lệ 5.25%
- Tỉ lệ lạm phát giảm mạnh từ 4.9% xuống còn 4%, giảm mạnh từ mức 9.1% vào lúc tháng 06/2022 cho đến nay.
Như vậy nhìn qua, FED đã và đang đi đúng mục tiêu đề ra là kéo tỉ lệ lạm phát về mức 2%. Tuy nhiên, việc này cũng gây ra áp lực đến tình hình kinh tế của Mỹ khi số lượng người thất nghiệp và số lượng đơn đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp liên tục tăng cao mỗi tháng, dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp.
Dựa vào biểu đồ CPI, bạn có thể thấy chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục leo thang, trong tháng 5/2023 đã tăng thêm 0.1% và tháng 4/2023 đã tăng 0.4%, điều này cho biết giá thành sinh hoạt đang liên tục gia tăng gây ra áp lực lớn đến người dân. Cộng với việc tỉ lệ thất nghiệp cao, phần lớn người dân sẽ sử dụng đồng tiền một cách có tính toán hơn trong mọi việc.
Đối với dữ liệu PPI, việc công bố dữ liệu tháng 5/2023 sụt giảm mạnh -0.3% cũng như biểu đồ tổng quan 1 năm trở lại đang cho thấy các doanh nghiệp đã cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó có cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô hoạt động do không có vốn duy trì (không vay được vì lãi suất cao), …
Vào ngày 5/6/2023, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) quyết định điều chỉnh tổng sản lượng dầu thô chung xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày bắt đầu từ ngày 1/1/2024 cho đến ngày 31/12/2024.
Phản ứng với việc này, Mỹ đã liên tục mua và tăng dự trữ dầu thô của Mỹ lên mức đột biến và chưa từng có tiền lệ, vượt xa mức dự báo, khi tăng lên gần 8 triệu thùng trong khi tháng trước đó đang thiếu hụt 500.000 thùng. Đây là hành động chuẩn bị nhiên liệu của Mỹ cho giai đoạn kinh tế suy thoái hiện tại và có thể xảy ra khủng hoảng sắp tới.
Dòng tiền đang tập trung ở đâu ?
Dựa theo bản đồ tăng trưởng dòng tiền được tổ chức FinaShark cung cấp, có thể nhận thấy dữ liệu dòng tiền đầu tư trên thế giới đang tập trung phần lớn xoay quanh thị trường Cổ Phiếu. Phần nhiều còn lại dòng tiền được chọn đầu tư vào thị trường hàng hóa là Vàng và Dầu. Nắm giữ USD và Bitcoin là phương án cuối cùng mà các nhà đầu tư trên thế giới chọn lựa.
Lý do cho sức nóng trở lại trong thị trường cổ phiếu được cho là FED đã giảm nhiệt trong sự diều hâu của mình khi chỉ duy trì mức lãi suất hiện tại và không thể tăng thêm. Đồng thời thông qua dự luật đình chỉ việc áp trần nợ công với Mỹ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025.
Cụ thể, theo nội dung thỏa thuận của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã đạt được thống nhất đình chỉ việc áp trần nợ công với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống. Dự luật được thông qua ở mức 31.400 tỷ đô la Mỹ với 11 sửa đổi bao gồm việc cắt giảm nhiều hơn Chi tiêu Liên bang, gia tăng Chi tiêu Quốc phòng và áp đặt các biện pháp Kiểm soát Biên giới mới.
Kiểm tra dữ liệu biểu đồ chỉ số giá S&P 500, mình có thể nhận thấy xu hướng giảm của đường giá trong nhịp trước đó đã chạm về level 0.5 của fibonacci retracement và hiện tại là một nhịp bật lên kiểm định Supply Zone cũng là vùng All-time-high (ATH) bên trên. Dữ liệu Relative Strength Index (RSI) cho thấy xu hướng giá hiện tại là rất “healthy”, khi sụt giảm nhẹ khỏi vùng middle band sau đó quay trở lên lại tiếp diễn xu hướng tăng. Tuy nhiên tại đây khi zoom out quan sát toàn bộ biểu đồ, mình nhận thấy tính hiệu phân kỳ đỉnh RSI được tạo ra với 2 cột mốc là năm 2018 – 2021, nền kinh tế có vẻ như đang không thực sự tốt như cách mà nó đã hiển thị.
Dữ liệu S&P 500 được ghi nhận dựa vào một công thức tính đặc biệt bao gồm chỉ số giá của top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất tại Mỹ, nên dữ liệu này có thể được sử dụng để đo lường tình hình kinh tế Mỹ.
Cuối năm 2021 nền kinh tế bắt đầu đi vào suy thoái, đây cũng là đỉnh của một cấp sóng chu kỳ (thời gian kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ nếu cấp sóng mở rộng) dựa theo tính toán Elliot Wave Theory.
Trong 2008, nền kinh tế đón nhận sự khủng hoảng do sự quản lý thiếu chặt chẽ về công cụ phái sinh hàng hóa và bất động sản của Mỹ. Xử lý khủng hoảng và tích lũy 3 năm, đến năm 2011, nền kinh tế thực sự khởi sắc và liên tiếp tăng trưởng đến hiện tại.
Hiện tại, dựa trên dữ liệu giá và các dữ liệu vĩ mô được báo cáo đang cho thấy nền kinh tế đã và đang bắt đầu vào một chu kỳ khủng hoảng mới, và hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn “Suy Thoái” trong 4 giai đoạn chính Suy Thoái – Khủng Hoảng – Phục Hồi – Hưng Thịnh.
Điều này được thể hiện rõ bằng sức mua của thị trường cổ phiếu đang thực sự rất yếu nhưng vẫn có thể thúc đẩy thị trường tăng trưởng, phần lớn nhờ nhóm cổ phiếu FAANG (nhóm cổ phiếu công nghệ). Trong khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô cho thấy sự bất ổn trong vận hành kinh doanh của các doanh nghiệp chung, sự bất ổn trong nhu cầu việc làm và tình trạng thất nghiệp, sự bất ổn về chi phí giá tiêu dùng – sinh hoạt tăng cao, sự bất ổn sắp tới về thiếu hụt nguồn cung ứng nhiên liệu, thì dòng tiền hiện thời chỉ như là thiêu thân gặp đóm lửa.
Vì là phân tích về biểu đồ khung thời gian tháng, kết hợp các yếu tố dữ liệu vĩ mô, nên thời gian diễn ra sẽ khá lâu chứ không xảy ra ngay lập tức. Ngắn hạn, thị trường cổ phiếu vẫn sẽ thu hút dòng tiền và biểu đồ S&P 500 sẽ tiếp tục quay lên kiểm tra lại vùng Supply Zone một lần nữa trước khi xảy ra diễn biến giá tiếp theo.
Crypto sẽ ra sao ?
Phân tích kỹ thuật khung thời gian tháng
Với biểu đồ giá BTC khung thời gian tháng, có thể nhận thấy khá rõ ràng nhịp giảm của BTC suốt một khoảng thời gian dài từ cuối 2021 cho đến hiện tại, nó có tính tương đồng với đồ thị giá S&P 500.
Giải thích cho sự việc này, ở các thị trường khác nhau sẽ có những tính chất khác nhau, tuy nhiên nhà đầu tư đều là “con người” và đều chịu ảnh hưởng chung của các chính sách kinh tế.
Được sinh ra vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2009, Bitcoin mang nghĩa vụ thay thế tiền tệ truyền thống cùng lý tưởng sẽ không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Thời điểm kinh tế hiện tại chính là bài “Crisis Test” đầu tiên mà Bitcoin phải vượt qua. Tuy nhiên, kết quả có vẻ không thực sự tốt lắm, vì Bitcoin vẫn chịu ảnh hưởng chung bởi dòng tiền fiat và tâm lý con người, “nó” thực sự đã sụp đổ và hành vi giá đang cho thấy điều đó.
Đáy tạm thời của thị trường S&P 500 rơi vào thời điểm tháng 10/2022, và đáy tạm thời của BTC đang rơi vào thời điểm tháng 12/2022, nghĩa là chậm hơn 2 tháng.
Về hành vi giá trên đồ thị tháng của Bitcoin đã xác lập một đáy ngắn hạn. Nhịp tăng trưởng bắt đầu bằng nến Bullish Engulfing vào tháng 1/2023 giúp BTC tăng gần 40% trong tháng đó, cây nến tháng này có volume khá nhỏ nhưng thực tế có đến 95% volume chiếm ưu thế là Buy, điều này đã thúc đẩy giá tăng rất mạnh. Nó cũng cho thấy thị trường đã hết lực cung, là lúc bầy gấu đã ăn uống no say và tìm chỗ ngủ, chừa chỗ cho đàn bò tung hoành.
Nhịp tăng trưởng này đã dừng lại khi chạm đến Key Level là vùng Supply Zone được hình thành bởi giai đoạn đáy tháng 5/2021. Sự điều chỉnh này đi kèm với hàng loạt fud lớn nhằm vào các sàn giao dịch top thị trường crypto như Coinbase và Binance, xoay quanh tình trạng kiểm soát và quản lý của SEC đối với thị trường crypto.
Phân tích kỹ thuật khung thời gian tuần
Trên khung thời gian tuần, diễn biến giá giai đoạn 6/2022 – 10/2022 đã tạo ra vùng giá tích lũy đi ngang. Sau đó tuần ngày 7/11/2022 ghi nhận sự phá vỡ xu hướng để tiếp diễn giai đoạn giảm trước đó của xu hướng lớn. Tuy nhiên thực tế nhịp phá vỡ này chỉ là một nhịp rũ hàng và kiểm định lực cung cầu của thị trường. Các tuần tiếp theo đó giá đã tích lũy đi ngang và đột ngột bật tăng phá vỡ vùng Base đã hình thành trước đó, giai đoạn này gọi là giai đoạn “thay đổi đặc tính của cấu trúc xu hướng”.
Với diễn biến cả cụm hành vi giá của BTC cho thấy rõ ràng khu vực đáy ngắn – trung hạn đã được hình thành với đáy chính xác là 15k5.
Nhịp hiệu chỉnh này có thể sẽ quay về test lại đoạn “thay đổi đặc tính của cấu trúc xu hướng” và cũng là kiểm định vùng cầu của thị trường quanh mốc $20K – $22K. Tuy nhiên ở đây hiện tại đang có sự hỗ trợ từ hợp lưu trung bình động EMA-200 và SMA-200, nên diễn biến giá vẫn có thể sẽ không suy giảm về quá sâu.
Cấu trúc giá của nhịp sóng chỉnh hiện tại cũng hình thành Bullish Flag Pattern, với cột cờ được thiết lập là sóng 1 phá vỡ xu hướng giảm lớn, target kỳ vọng sẽ tính bằng điểm phá vỡ mô hình đến hết chiều dài cột cờ (quanh zone $35K – $37K)
Kết Luận
Tổng kết lại, xu hướng chung của thị trường Bitcoin sẽ diễn biến tương đồng với thị trường chứng khoán nhưng có phần chậm hơn.
Trong ngắn hạn, BTC sẽ di chuyển về zone $20K – $22K để kiểm định cầu và lấy đà tiếp tục nhịp tăng trưởng tiếp theo (theo line vàng). Vẫn còn 1 trường hợp tỉ lệ nhỏ là BTC sẽ khởi hành luôn từ mức giá này để di chuyển lên cao hơn, nhưng nó là tỉ lệ rất nhỏ (theo line tím).
Về dài hạn, chúng ta mới chỉ ở giai đoạn Suy thoái Kinh tế và chưa thực sự bước vào giai đoạn Khủng hoảng Kinh Tế, điều đó có thể sẽ đến trong năm 2024. Tuy nhiên với việc thắt chặt mạnh tay của FED khiến cho chỉ số lạm phát đã giảm về mức 4% ở thời điểm hiện tại, rất có thể FED sẽ thực sự xử lý được thị trường và đảm bảo tỉ lệ lạm phát về 2% trong đầu năm 2024, và kinh tế sẽ chỉ dừng lại ở mức độ suy thoái như hiện thời. Nhìn lại lần khủng hoảng gần nhất ở 2008-2009, FED chỉ mất hơn 2 năm để xử lý, sau đó kinh tế thực sự tăng trưởng với mức độ chóng mặt. Và biết đâu lần này FED bằng những kinh nghiệm của mình, sẽ vẫn kiểm soát tốt thị trường thì sao!
Hãy comment ý kiến và phân tích của bạn bên dưới.